Sáng tác Bóng_tối_Jazz

Bóng tối Jazz bao gồm một số các sáng tác từng thành công, như "Chạm" là đĩa đơn đầu tay năm 2013 của Nguyễn Trần Trung Quân hay "Tìm" đã được Lê Việt Anh thể hiện trong đĩa đơn Tan vào nhau (2013). "Cỏ và mưa" là ca khúc nổi tiếng của nhóm 5 Dòng Kẻ trong Em (2003) và Một thập kỷ ca hát (2009), Đoan Trang trong Âm bản (2007) hay bởi Tùng Dương trong album đầu tay năm 2007 của Giáng Son, bởi Giang Hồng Ngọc trong EP Ngọc (2015) và Lam Anh trong album tuyển tập Một cõi tình phai (2016). "Thu cạn" là một ca khúc quen thuộc, nhưng lại chỉ được thu âm bởi Bảo Trâm trong album tổng hợp Bảo Trâm Collection (2014).

Một số bài trong Bóng tối Jazz cũng từng được các ca sĩ đặt hoặc mua độc quyền. Nhưng cô thường chỉ để ca sĩ toàn quyền sở hữu bài hát của mình trong vòng một năm[34].

Chạm

"Chạm" (tựa tiếng Anh: Fondling) là một ca khúc viết về đề tài tình yêu, nội dung theo cô chia sẻ: "Đôi khi trong tình yêu, chỉ cần một cái chạm tay thì tình yêu sẽ đến". Son đã đóng vai một chàng trai để tỏ tình với một người con gái[37]. Ca khúc đã được ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân thể hiện đầu tiên trong chương trình Sao Mai điểm hẹn 2012Bài hát Việt tháng 12 năm 2012, sau đó anh đã phát hành nó dưới dạng đĩa đơn vào năm 2013[38] theo thể loại ballad pha nhạc điện tử[39].

Khúc yêu

"Khúc yêu" (tựa tiếng Anh: Passionate Love Song) là tâm sự của một cô gái khao khát, mãnh liệt. Tác phẩm được Giáng Son phổ nhạc từ bài thơ của tác giả trẻ Trương Quý Chi - bạn gái cũ của ca sĩ Tùng Dương. Phổ xong, cô nghĩ đến việc mời Tùng Dương thể hiện, nhưng vì thấy mình không phù hợp khi vào vai một cô gái để thể hiện tâm trạng khi yêu nên anh đã từ chối dù rất thích nó. Sau này, bài hát được chuyển lại cho Hà Trần thể hiện[40].

"Thực ra, cách đặt tên này đã có từ khi Giáng Son bắt đầu chập chững bước vào nghiệp sáng tác, khi đó Giáng Son mới chỉ 16 tuổi. Bài hát đầu tên Giáng Son viết có tên là "Mưa". Tiếp đó là "Sóng", rồi "Anh", "Em". Đến bây giờ vẫn tiếp tục là bài hát "Chạm", rồi "Khát", "Tìm"… Giáng Son luôn tâm niệm rằng với mỗi bài hát, chỉ 1 từ thôi cũng là quá đủ để có thể nói hết được chủ đề của bài và ý đồ của mình rồi. Vì thế, Giáng Son chỉ cần 1 từ đặt tên cho mỗi bài hát."[41]

~ Giáng Son

Vệt buồn

"Vệt buồn" (tựa tiếng Anh: Stain of Sadness) là một bài hát nói về những kỷ niệm, nỗi buồn, những gì nuối tiếc đã trải qua trong quá khứ; đây cũng là sự kết hợp lần đầu tiên của cô và nhà thơ Hà Quang Minh, mặc dù đã quen biết nhau từ lâu. Ban đầu nhà thơ đã gửi cho cô một vài bài thơ, trong số đó cô đã rất ấn tượng và bắt gặp hình ảnh của chính mình ngày xưa với bài Vệt buồn tháng Sáu.

Mô típ 'vệt buồn' được nhắc lại nhiều lần, vô tình nó cũng trùng với phần âm nhạc của cô và lập tức Son phát triển theo mô típ đó và tạo thành bài hát. Nhạc sĩ sử dụng thủ pháp 'mô tiến' trong phần A rất ngắn nhưng từ ngữ 'vệt buồn' được nhắc đi nhắc lại nhiều lần; chủ ý muốn người nghe nhớ đến. Sau đó, cô chuyển sang phần điệp khúc rất mạnh mẽ đằng sau. Phần B là một sự thử nghiệm của bản thân cô, vì phần này quá khác biệt so với A nên rất khó để đưa lời của nhà thơ Minh vào. Giáng Son đã nhờ anh biên soạn thêm lời cho phần này. Ngoài ra đây còn là sáng tác đầu tiên của Son sử dụng hai tốc độ khác nhau, được gọi là thủ pháp 'hai tốc độ'; phần A tương đối chậm khoảng 60-70, nhưng đến phần B là một sự đối nghịch khác hẳn, cô nâng tốc độ lên đến 100 để tạo sự cao trào, mãnh liệt. Bản thân hai phần vẫn phải có sự liên kết, dù khác hẳn nhau về tốc độ và khi chuyển tempo có sự đối nghịch, tương phản nhưng vẫn phải hút nhau[42]. "...một cái 'vệt', dài hay ngắn nhưng rõ ràng là nó một vệt khó mà xóa nhòa được trong tâm trí của những người từng yêu, một sự nuối tiếc của một tình yêu đã qua mà ta vẫn luôn nhớ."

Cỏ và mưa

"Cỏ và mưa" (tựa tiếng Anh: Grass and Rain) là một bài hát đầu tiên mà nhạc sĩ Giáng Son sáng tác về thể loại blues jazz vào năm 1999. Ca khúc là một trong hai bài của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo được cô phổ nhạc[43]. Nhạc sĩ Giáng Son sáng tác ca khúc gắn với một kỷ niệm khi bắt đầu tình bạn của họ. Cô được ông tặng tập thơ Đồng dao cho người lớn. Sau khi bắt gặp Cỏ và mưa ở phía cuối tập thơ. Ngay lập tức, Son đã ấn tượng với bài thơ và giai điệu vang lên trong đầu, nhưng chỉ có 3 câu mới được phổ nhạc, câu còn lại "Ta biệt em lớ ngớ chẳng hẹn gì" tạm thời 'tắc tị' vì ý thơ đã kết nhưng bản nhạc thì chưa thể, cô soạn viết tiếp phần điệp khúc không lời; sau đó gọi điện và đưa bản nhạc viết tay đến cho ông xem, nhà thơ thấy hay quá nên ông đã viết tiếp phần điệp khúc[44][45][46][47]. "Với toàn bộ ý tứ, nội dung của bài "Cỏ và mưa" rất phù hợp trong tình yêu của nam và nữ. Ý anh Tạo là người đàn ông sau khi yêu, ra đi một cách lớ ngớ chứ không phải cố tình 'quất ngựa truy phong'. Nhưng tôi lại hướng ca khúc tới ý, khi yêu, người con gái dâng hiến hết. Sau khi dâng hiến lại cứ chờ đợi người trai trở về với mình… nên chỉ dừng lại ở "Em cỏ khát anh mưa rào nơi nào/Ngày nắng cháy em chợt chợt thấy mưa/ Em chờ mãi cỏ xanh ngơ ngác ngơ ngác…".[48]" Trong liveshow cá nhân, Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ: "Bài thơ "Cỏ và mưa" tôi viết gồm 4 câu, đây là một bài thơ sex, những câu thơ gợi cảm được nhạc sĩ Giáng Son viết nhạc. Nhưng cô ấy viết nhạc xong xuôi, phần lời tới câu thơ thứ 3 thì thấy khó, ngỏ ý muốn tôi làm 'lời đuổi theo nhạc' cho hoàn thành nốt câu cuối. Nói đúng ra, tôi là người phổ thơ cho nhạc Giáng Son".[49]

"Cỏ và mưa" từng nhận được giải thưởng "Ca khúc nghệ thuật" của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, là chủ đề của chương trình Con đường âm nhạc tháng 10 năm 2010[50], là nhan đề của tuyển tập nhạc 30 tình khúc Cỏ và mưa phát hành năm 2005 bởi Nhà xuất bản Trẻ của chính cô[25]. Ca khúc được chính Hà Trần thể hiện và tự dàn dựng theo phong cách A cappella[36][51].

Đêm đợi

"Đêm đợi" (tựa tiếng Anh: Lingering Night) là bài hát được phổ thơ Phan Vũ. Ca khúc được Giáng Son viết vào năm 2009 dựa theo nguồn cảm hứng về Hà Nội[52]. Sau đó, nó đã được giới thiệu lần đầu tiên bởi Tấn Minh trong chương trình Con đường âm nhạc năm 2010[53].

Thu cạn

"Thu cạn" (tựa tiếng Anh: The End of Autumn) là một ca khúc được rất nhiều thí sinh lựa chọn để biểu diễn trong các cuộc thi âm nhạc[54], tiêu biểu như Trúc Nhân, Bảo Trâm, Hòa Minzy và Thiều Bảo Trang. Tùng Dương và Hà Linh cũng thể hiện theo cách riêng trong các chương trình[55]. Nhưng Giáng Son sáng tác dành riêng cho Nguyên Thảo[56]. Cô cho rằng bản thân ca khúc đã được viết theo hướng blues, nhưng các ca sĩ trẻ lại thể hiện theo phong cách pop.[57] Tuy nhiên, cô đã không lựa chọn Nguyên Thảo mà thay vào đó là Trần Thu Hà để chính thức thu âm nó.

Ca khúc được sáng tác năm 2007 gắn với một kỷ niệm khi Giáng Son vào Sài Gòn uống cà phê cùng với bạn bè. Khi đó, cô đã chấp nhận lời thách đố của người bạn mình để phổ một vài câu của bài thơ từ những tờ báo trước mặt ngay tại quán theo thể loại của blues jazz. Ngay lúc đó, cô đã đọc bài Cho cạn kiệt mùa thu của Y Mai đăng trên tờ Sài Gòn giải phóng. "Thu cạn" trở thành ca khúc được sáng tác trong khoảng thời gian lâu nhất của nhạc sĩ, do phải mất 2 năm sau đó cô mới có thể hoàn thành được phần điệp khúc khi đã trải qua những cú sốc về đời tư. Cô từng chia sẻ: "Mùa thu Hà Nội rất đẹp nhưng những hoài niệm về mùa thu của tôi thường rất buồn, hay kết thúc một cái gì đó! Thế nên tôi mới có Thu cạn[58]."

Bóng tối Jazz

"Bóng tối Jazz" là ca khúc chủ đề của album, được chị sáng tác vào năm 2004 và phải đến năm 2015 mới được giới thiệu tới công chúng[25], và nằm trong chùm những ca khúc do nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến phổ lời[40]. Giáng Son từng chia sẻ, cô thuộc loại người yêu bóng tối nên vì vậy cô thường dành thời gian vào ban đêm để đối thoại với cây đàn piano[59].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bóng_tối_Jazz http://www.giadinhvietnam.com/tung-duong-mang-chie... http://hopampro.com/ca-si/nguyen-tran-trung-quan/ http://vcpmc.org/vcpmc/tintuc/chitiet/_1231/TIEN_T... http://anninhthudo.vn/giai-tri/nhac-si-giang-son-p... http://baophunuthudo.vn/sites/ePaper/PNTD/Detail.a... http://baocantho.com.vn/anh-sang-tu-bong-toi-jazz-... http://www.baovinhlong.com.vn/van-hoa-giai-tri/201... http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/Bong-toi-... http://dantri.com.vn/van-hoa/phu-quang-bieu-dien-k... http://dep.com.vn/th%E1%BA%A1t-bat-ngo-son-tung-m-...